VỊ THẦY TRÊN HIMALAYA (2)

Vị Thầy trên Himalaya  (tt)

Sri Madhukarnath Ji
Apprenticed to a Himalayan Master
- A Yogi’s Autobiography

Xem mục Vị Thầy trên Himalaya

Trăm năm trước, một yogi ngoại hạng như thế ngụ trong hang, mình trần chỉ có mảnh vải mỏng che phần dưới, chìm đắm sâu trong thiền định của mình: Anh trắng trẻo và đẹp đẽ, tóc đen thả dài với râu đen, và tuy mắt nhắm nhưng một nụ cười hiền hòa nở trên mặt khi anh cảm nhận sự an lạc trong tâm, cho thấy sự hòa nhập với linh hồn.
Người yogi trẻ này mới mười chín tuổi, thuộc gia đình học giả Veda tiếng tăm ở thành phố Varanasi (Benares) linh thiêng. Tổ tiên của anh là đệ tử của một vị yogi nổi tiếng trong huyền thoại, Sri Guru Babaji, Vị mà mọi người đều tin vẫn giữ cho thân thể trẻ mãi hằng trăm năm nay.
Thân phụ của thanh niên này là đệ tử của Babaji, trao con trai mình cho vị yogi cao cả lúc anh mới chín tuổi. Từ lúc đó anh theo sư phụ đi vân du (ngài không ở nơi nào cố định) khắp nơi trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Năm trước, lúc mười tám tuổi, anh đạt đến mức nhà yogi độc lập, từ đó anh dong ruổi một mình giữa đỉnh Kedar và Badri phủ đầy tuyết.
Trong lúc nhà yogi trẻ hoàn toàn chìm trong trạng thái đại định là Samadhi, một chuyện xảy ra ngay trước mắt nhắm của anh. Một ông lão - là hạng người hiếm khi thấy có mặt ở nơi này - bấu chặt để leo lên dốc đá thẳng đứng trơn trượt, và lên tới tảng đá phẳng trước cửa hang. Chiếc khăn đội đầu màu xanh lá cây dơ bẩn, và mảnh khăn quấn quanh người ướt đẫm rách nát sắp trở thành các mảnh vụn, vòng tràng hạt đeo trên cổ cùng với bộ râu dài, cho thấy ông là người Hồi giáo.
Tay chân ông đầy vết cắt và vết bầm, cũng như phần thân thể nào để hở, máu rỉ ra từ những vết thương. Vừa lạnh vừa đói ông sắp quỵ, nhưng khi nhìn thấy người yogi trẻ ngồi trong hang, nét đau đớn trên mặt ông đổi sang nụ cười, rồi vui đến nỗi thành tràng cười mừng rỡ.
– Tạ ơn Allah, ông kêu lên và thở một hơi dài, quên hết mọi đau đớn và khổ sở của mình. Ông tiến lại nhà yogi rồi quì sụp xuống. Kế đó ông làm một cử chỉ mà không ai theo Ấn giáo dám làm với một yogi, ông ôm chầm lấy anh.
Nhà yogi - bị đột ngột kéo ra khỏi cơn nhập định -  mở to mắt và hất ông lão đang ôm chặt lấy mình. Anh xì mũi để chặn mùi hôi hám từ thân xác rã rời và rướm máu của người lạ, giận dữ quát:
– Sao ông dám ? Xê ra mau.
Lòng giận dữ, cái chất độc mạnh mẽ đôi khi khó mà chế ngự ngay cả với đạo sĩ, đã vào tâm nhà yogi trẻ này.
– Xin ngài làm ơn. Ông lão năn nỉ,  Cho tôi cơ hội kể với ngài chuyện của tôi.
– Đi đi, nhà yogi nói, Tôi cần phải tắm sông Alakananda rồi nhập định trở lại. Người ăn thịt, thô lậu như lão không có chỗ ở đây. Đi chỗ khác mau.
Ông lão không bỏ cuộc.
– Làm ơn nghe tôi, ôi ngài yogi cao cả. Tôi là một Sufi, là đệ tử chính của vị thầy Sufi cao cả thuộc hệ Naqshabandiya. Sáu tháng trước khi qua đời thầy có dặn, ‘Này con, con đã đạt tới mức phát triển tinh thần mà ta có thể đưa con tới. Ta sắp rời bỏ thân xác, và không có vị thầy Sufi nào khác vào lúc này có thể hướng dẫn con lên cao hơn nữa. Nhưng đừng lo. Trong dãy Hy Mã Lạp Sơn gần Badri có một nhà yogi trẻ. Hãy tìm ông và xin giúp đỡ.’ Ngài là người mà thầy nói tới và chỉ có ngài mới giúp được tôi.
Trong hai tháng tôi đã trải qua bao khó nhọc trước khi tìm được ngài. Chắc tôi sẽ chết vì kiệt lực nhưng xin hãy nhận tôi làm đệ tử, và linh hồn tôi có thể thanh thản ra đi. Tôi van ngài.
– Ta không biết gì về thầy của lão hay người Sufi như lão đã nói. Ta chưa hề nhận lệnh nào cả, hơn nữa ta không nhận ai làm đệ tử, nhà yogi trẻ đáp lời vẫn còn giận dữ. Nay tránh ra, đừng làm ta bị trễ nãi việc tắm sông Alakananda rồi thiền trở lại mà lão đã phá ngang. Đi ra ngay ! 
– Được rồi, ôi ngài yogi cao cả, ông lão lên tiếng, nếu đó là lời nói cuối cùng của ngài thì tôi không thiết sống nữa, giấc mơ duy nhất trong đời tôi đã tan vỡ rồi. Tôi sẽ nhảy xuống sông tự vẫn. Cầu mong Đấng Tối Cao của Vũ trụ soi đường cho tôi.
– Lão cứ làm những gì lão muốn, nhà yogi cứng rắn đáp, nhưng ta không làm gì cho lão được. May cho lão là dù giận dữ, ta đã không nguyền rủa lão. Lão đi đường lão, ta đi đường ta.
Ông lão, sụp lạy dưới chân nhà yogi chào bái biệt, mắt đầy lệ đi ra con sông chảy bên dưới mấy thước. Ông lao mình xuống dòng sông chảy xiết kết liễu đời mình, với môi mấp máy cầu kinh xin Đấng Tối Cao dẫn dắt.
Nhà yogi trẻ tin rằng mình làm đúng và không hối hận chút gì, anh leo xuống tới một nơi đẹp đẽ bên bờ sông, xướng lên chú ngữ thích hợp cho việc thanh tẩy, đắm mình trong nước lạnh buốt của dòng sông thiêng. Anh bước ra khỏi sông, lau mình với chiếc khăn duy nhất anh có. Ngồi lên tảng đá,  anh cám ơn dòng sông thiêng đã tẩy sạch thân thể và tâm trí mình, rồi sắp bắt đầu leo lên về hang thì anh nghe giọng nói ngọt ngào quen thuộc của thầy gọi mình:
– Madhu !
Vị thầy cao cả Babaji đi đến từ sau tảng đá de ra. Làm như bóng tối đang ập xuống của buổi chiều đột nhiên sáng hẳn lên vì sự hiện diện rạng rỡ của ngài. Cao lớn, trắng gần như người Âu châu, Babaji có tóc nâu buông dài và có rất ít râu, ngài trông như mới mười sáu tuổi. Thân hình rắn rỏi, để trần không trang phục gì ngoại trừ mảnh vải trắng che phần giữa thân. Ngài đi chân đất, bước khoan thai và ung dung.
Đôi mắt to, trầm lặng của ngài nhìn vào người đệ tử trẻ Madhu.
– Này con, con đã làm chuyện tệ hại vô cùng, ngài nói nhẹ nhàng.
Mức trầm trọng của những gì người yogi trẻ vừa làm trong vài phút trước đây, lập tức ập vào anh như luồng sét.
– Babaji.
Anh chỉ thốt lên được vậy trước khi nước mắt tuôn trào, rồi quì sụp xuống chân sư phụ.
– Tự chủ đi con, lại đây. Chúng ta hãy leo lên hang của con.
Hai người nhanh nhẹn leo lên tới hang và ngồi xuống đối diện nhau. 
– Không phải ta luôn dặn con là phải suy nghĩ trước khi nói những gì mà con muốn nói với ai, và trong trường hợp nào, hay sao ? Con có thể kiên nhẫn thêm một chút, và cẩn thận lắng nghe ông lão muốn nói gì. Ai thánh thiện có nên được xét đoán vì bề ngoài chăng ? Như đệ tử cao cả Kabir của ta có nói, con có xem trọng bao kiếm hơn thanh kiếm chăng ? Con đã làm tổn thương và gây đau đớn một người hết lòng vì Thượng đế. Con đã phá hủy trong phút chốc trọn những quả tốt lành có được trong nhiều năm khổ hạnh. Tốt lành trong một phút thì đáng quí hơn trăm năm khổ hạnh miệt mài. Con phải đền bù cho việc đó.
Lúc này người đệ tử trẻ đã kiềm chế được mình và trở nên bình tĩnh.
– Bất cứ điều gì Sư phụ dạy con sẵn sàng làm ngay, anh nói.
– Còn về ông lão, Babaji nói, Ta sẽ lo cho nhu cầu tinh thần của ông. Con đã làm ngưng trệ sự tiến bộ tinh thần của mình do lòng ngạo mạn, và cách duy nhất để trở lại đúng đường, là trải qua cùng nỗi đau khổ và khó nhọc hay tương tự như ông lão đã trải qua.
Hãy chuẩn bị thế khechari mudra và để prana đi ra bằng huyệt Ajna. Rồi chúng ta sẽ hướng dẫn linh hồn con sinh ra trong hoàn cảnh mà con phải đau khổ, tương tự như ông lão đáng thương kia đã bị. Làm ngay đi.
– Ý muốn  của thầy luôn là mệnh lệnh cho con, Babaji, con sẽ làm nó ngay lập tức nhưng con có một ước nguyện cuối cùng.
– Con hãy nói đi. Babaji bảo.
Giọng nói người đệ tử trẻ hóa thổn thức vì cảm xúc, hai tay chắp lại anh khẩn khoản nói.
– Lạy Sư phụ, con hết lòng yêu mến ngài. Xin hứa là ngài sẽ không bỏ rơi con mà sẽ theo dõi bước đi của con, không để con không bị cuốn vào lốc xoáy tư tưởng và phiền muộn của đời phàm. Con xin ngài hứa là sẽ trông nom con, và mang con trở lại dưới đôi chân đầy ân phước của ngài.
– Được, ta hứa, vị thầy cao cả đáp lời, lòng nhân từ dịu dàng tỏa ra từ đôi mắt sáng rỡ của ngài. Đại đệ tử của ta, Maheshwarnath, người con chưa gặp sẽ đến với con sớm sủa trong kiếp tới của con. Ông sẽ hướng dẫn con. Tới một lúc nào đó trong kiếp tương lai, con cũng sẽ gặp ta và nói chuyện với ta như bây giờ. Nhưng lúc này, hãy nhanh lên vì giờ phút đã tới để đi.
Khi đó mặt trời đã lặn hẳn, mặt trăng sắc bạc đẹp đẽ đã vẹt mây để chứng kiến một sự việc linh thiêng diễn ra. Người đệ tử trẻ đầy nước mắt sụp lạy lần nữa dưới chân sư phụ mình. Babaji dang tay phải để bàn tay lên đầu anh, ban phước lành rồi lập tức biến mất vào bóng đêm. Nay còn lại một mình, Madhu ngồi theo thế liên hoa, hít thở vài hơi sâu, thực hiện thế khechari mudra để mạnh mẽ ngưng thở, và tập trung vào huyệt giữa hai chân mày, rồi rút ra khỏi cơ thể.
Đây là kết thúc câu chuyện mà thầy tôi, Maheshwarnath, kể với tôi.

2. Vị Thầy từ Hy Mã Lạp Sơn đến thăm. 

Bây giờ tôi xin thuật với bạn về cách lạ lùng mà thầy đến gặp tôi, và nối lại mối dây với ngài.
Lúc ấy tôi mới hơn chín tuổi. Gia đình gồm ba, mẹ, em gái, bà ngoại và tôi sống trong một căn nhà khá rộng trên đường Ambuyjavilasom, nằm trong vùng Vanchiyoor, một nơi yên tĩnh nhưng không xa đường cái cho lắm. Nhà có tên Palliveedu, vào thời đó ba tôi trả tiền mướn được xem là khá cao, là Rs.40 một tháng (40 Rupee).
Giữa cánh cổng và cửa chính vào nhà chỉ có một khoảng đất hẹp, và cổng được mở ra đường. Tuy nhiên sân đằng sau nhà thì rất rộng, khoảng nửa mẫu ta trồng nhiều cây dừa, mít và các bụi hoa. Mẹ tôi nuôi gà trong sân, nên cảnh tượng thật vui mắt khi nhìn gà mẹ dắt đàn gà con lông xốp phình ra nhuộm mầu hồng. Nhuộm để chúng đừng bị chim ó bắt đi. Chúng tôi cũng nuôi hai con dê.
Ba tôi ngoài công việc chính là thầu xây cất nhà cửa, ông còn làm thêm việc phụ có liên quan đến giấy thải. Để có chỗ chứa những kiện giấy thải từ các nhà in, ba cho xây nhà kho lớn nằm một bên của vườn sau. Kho là nơi chơi đùa thích nhất của tôi và đứa em gái nhỏ hơn tôi hai tuổi rưỡi. Chúng tôi chơi năm mười trốn tìm ở đây, hay chỉ leo ngồi lên những kiện giấy và nghĩ ra những chữ mới lạ, hoặc đặt ra mấy câu thơ vô nghĩa.
Hàng rào chung quanh sân sau rất thấp, chỉ cao khoảng một mét được đắp lên bằng bùn. Gần chính giữa vườn, trên nhánh của cây mít già có treo chiếc xích đu vững chãi. Chúng tôi đánh đu thỏa thích và thường thì trẻ con hàng xóm cũng leo dễ dàng qua bức tường thấp để vào chơi chung. Rồi cũng có một cây mít khác lớn hơn và có lẽ già hơn, đứng  ở cuối vườn bên tay phải. Chính bên dưới tàng cây này mà chuyện xảy ra làm thay đổi đời tôi hoàn toàn.
Hai anh em chúng tôi đi học ở  trường Holy Angels, cách nhà một khoảng đi bộ không xa. Về nhà thì theo thói quen chúng tôi rửa ráy, ăn vặt một cái gì đó rồi chạy ra vườn sau chơi cho đến khi mặt trời lặn. Khi mặt trời lặn chúng tôi phải rửa mặt, tay chân rồi ngồi xuống đọc bài kinh ngắn tiếng Ả Rập và Urdu với bà ngoại. Sau đó làm bài tập, ăn tối, đôi khi được nghe bà kể chuyện trong quyển 1001 đêm, hay những kinh nghiệm của chính bà rồi lên giường đi ngủ.
Nhưng ngày hôm đó em tôi, chăm học hơn tôi (nên không lạ gì khi em thành công chức cao cấp sau này), bỏ chơi nửa chừng và vào nhà sớm hơn thường lệ. Còn lại một mình tôi đi thơ thẩn sau vườn không có chủ đích gì cả. Hoàng hôn sắp xuống, ánh sáng dịu xuống thành sắc vàng óng ả. Tôi nghĩ thôi mình cũng quay về, xuống bếp tìm cái gì ăn vặt nên xoay người lại tính đi vào. Tuy nhiên vì lý do nào đó mà đến nay tôi vẫn không giải thích được, tôi lại quay người đi về hướng cây mít cuối vườn. Có một người đứng dưới tàng cây ra dấu cho tôi đến gần.
Đúng ra phản ứng tự nhiên phải là bỏ chạy, nhưng thay vì vậy tôi ngạc nhiên không thấy sợ hãi gì cả. Lòng tôi có sự hăng hái kỳ lạ muốn đến gần người lạ này. Tôi bước vộị và chẳng mấy chốc tới đứng trước mặt ông. Bây giờ tôi có thể nhìn rõ hơn, người lạ mặt cao lớn, trắng trẻo với thân hình rắn rỏi để trần, ngoại trừ mảnh vải trắng quấn từ bụng xuống tới trên đầu gối. Ông đi chân không.

Tôi cảm thấy hiếu kỳ về người lạ mặt này, có tóc màu nâu nhạt, dài, rất dầy được quấn lại thành một búi tó lớn trên đầu giống như một chiếc nón cao. Ông đeo hai cái khuyên tai thật rộng màu nâu, có lẽ là bằng đồng, tay phải ôm một bình nước màu đen láng bóng. Nhưng nét nổi bật nhất ở khuôn mặt ông là đôi mắt: to màu nâu đen, lấp lánh tràn ngập tình thương và lòng thiện cảm.Ông đặt tay phải lên đầu tôi không chút ngập ngừng, rồi với giọng nhẹ nhàng ông nói bằng tiếng Hindi:
– Kuch yaad aaya,  có nghĩa Con có nhớ gì không ?
Tôi hoàn toàn hiểu lời của người lạ mặt, vì tuy gia đình tôi đã ở Kerala nhiều đời nhưng chúng tôi nói tiếng địa phương của Urdu gọi là Dakkhini, rất giống tiếng Hindi.
– Không, tôi đáp lại.
Lấy tay ra khỏi đầu tôi ông sờ nhẹ vào phần giữa ngực tôi và nói.
– “Baad mein maalum ho jaayega. Ab vapas ghar jao. (Sau này con sẽ hiểu. Bây giờ hãy về đi). Tôi vẫn không hiểu ông muốn tỏ ý điều gì nhưng vâng lời quay về nhà ngay. Khi vội vã rảo bước vào nhà, tôi có cảm giác là sự sờ nhẹ của ông làm tim tôi nhẹ nhàng hơn. Tới bậc chót ở thềm cửa sau để vào nhà, tôi quay đầu để nhìn lần cuối người lạ mặt dưới cây mít, nhưng ông đã mất dạng,  không có ai ở đó.
Trời đã tối hơn, tôi chạy vào bếp trong lòng đầy phấn khởi. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời để kể cho mẹ. và để làm tàng với đứa em gái. Một mùi thơm ngon tỏa lên từ nhà bếp. Mẹ tôi nấu cà ri tôm càng cho bữa cơm tối, tôi mở miệng để kể chuyện nhưng không một lời nào thoát ra khỏi miệng, giống như có ai hay cái gi đó đã chặn giây thanh âm lại. Tôi thử lần nữa và đành bỏ cuộc. Lúc này tôi thở hổn hển.
–  Con hết hơi rồi !  mẹ nói. Có chuyện gì vậy ? Chạy nhanh quá phải không ?
– Dạ. Tôi nghe mình trả lời, và cùng lúc nhận ra rằng tôi chỉ không nói được khi muốn thuật về kinh nghiệm lạ lùng mà thôi.
Vài lần sau đó tôi thử kể lại câu chuyện mà vẫn không được. Tin là có lực nào đó ngăn chặn không cho câu chuyện được kể ra, nên tôi thôi không thử nữa. Phải mất mười năm tôi mới có thể kể lại câu chuyện này. Người đầu tiên mà tôi thuật lại chuyện, thì không ai khác hơn là người lạ mặt tôi đã gặp lần đầu dưới tàng cây mít – thầy, người tôi gặp trở lại trên dãy Himalaya trong hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Ở lần gặp gỡ đó tôi được chính thức nhận làm đệ tử, việc này sẽ được nói thêm về sau.
Sau chuyện xảy ra ở cây mít, mặc dù bề ngoài tôi giống như đứa con trai nào khác cùng lứa, nhưng con người tôi có sự thay đổi sâu xa. Một đời sống bí mật diễn ra bên trong, bên cạnh những sinh hoạt thông thường trong đời sống hàng ngày. Cuộc hành trình nội tâm đã khởi sự, và dấu hiệu đầu tiên của việc này là tôi bắt đầu thiền, dù chưa hề biết đến chữ tham thiền.
Chuyện như thế này, dù là không thể chia sẻ với ai kinh nghiệm khác thường mà tôi đã có, hình ảnh đôi mắt thương yêu đó còn mãi trong tim tôi. Một tối nọ như bình thường tôi đi ngủ nằm bên cạnh mẹ và em, nghĩ tới người đàn ông này với cái nhìn thương mến. Thường thì tôi ngủ say và buổi sáng sớm phải được gọi nhiều lần mới dậy. Nhưng tối hôm đó lạị khác hẳn. Vào khoảng nửa đêm tôi chợt thức giấc, và có một cảm giác thương yêu an lạc ở chính giữa lồng ngực mình. Giống như có ai dùng cái lông mềm mại vuốt nhẹ tim tôi. Một cảm giác tưng tưng đi dần lên xương sống. Tôi muốn ngồi lên nhưng sợ mẹ sẽ thức giấc và thắc mắc, nên vẫn nằm im tôi nhắm mắt lại và nhìn vào trong tâm.
Trước tiên đôi mắt thương yêu xuất hiện, rồi chúng biến mất mà thay vào chỗ là một ánh sáng bạc mát mẻ đi dần lên xương sống rồi tràn ngập tim tôi. Nếu lúc đó tôi biết được trạng thái khoái lạc cực điểm của việc giao hợp ra sao, thì tôi sẽ gọi đó là khoái lạc cực điểm của con tim mà không có nghĩa gì về tình dục. Nhưng tôi còn quá nhỏ chưa thể so sánh. Tất cả những gì tôi có thể hiểu được là cảm giác an lạc làm tôi thấy say sưa.
Tôi không biết nó kéo dài bao lâu, cái kinh nghiệm đầu tiên về sự xuất thần.. Giọng nói của mẹ đánh thức tôi.
–  Dậy con, tới giờ sửa soạn đi học rồi.
Sau vài cái lay nhẹ nhàng tôi mở mắt và ngồi lên. Không còn sự an lạc, không còn ánh sáng, không còn cảm giác tưng tưng ở sống lưng, tất cả biến đi trong phút chốc. Tôi đi rửa mặt, ăn sáng, thay quần áo rồi sửa soạn đi học. Chỉ còn đôi mắt nhân từ vẫn làm tôi nhớ mãi.
(còn tiếp)